Chuẩn bị mâm ngũ quả ngày Tết là nét đẹp truyền thống của người Việt, thể hiện sự thành kính với tổ tiên và mong muốn năm mới an lành, hạnh phúc. Mỗi vùng miền sẽ có những cách bày trí mâm ngũ quả khác nhau và tạo nên một bức tranh văn hoá ẩm thực đa dạng. Vậy bí quyết chọn trái cây và bày trí thế nào là đẹp, ý nghĩa, hãy cùng Mama’s Food tìm hiểu qua bài viết sau.
1. Ý nghĩa của mâm ngũ quả ngày Tết
Từ lâu, việc chưng mâm ngũ quả ngày Tết đã trở thành một trong những văn hoá truyền thống tốt đẹp của nhiều gia đình Việt. Vào mỗi dịp Tết đến, mâm ngũ quả là thứ không thể thiếu trên bàn thờ gia tiên với đa dạng loại quả mang ý nghĩa về sự sung túc, thịnh vượng, bình an.
Đúng như tên gọi, mâm ngũ quả Tết sẽ gồm 5 loại trái cây tượng trưng cho Phúc – Lộc – Thọ – An – Khang. Dựa trên quan niệm phương Đông, mâm ngũ quả còn tượng trưng cho 5 mệnh ngũ hành gồm Kim – Mộc – Thuỷ – Hoả – Thổ trong phong thuỷ.
Theo quan niệm của Phật Giáo, 5 màu sắc có trong mâm ngũ quả sẽ mang biểu tượng của “ngũ thiện căn”. Gồm có tín căn (lòng tin); tấn căn (ý chí kiên trì), niệm căn (ghi nhớ), định căn (tâm không loạn) và huệ căn (sáng suốt).
2. Các loại quả thường được bày mâm ngũ quả ngày Tết
Sau khi đã tìm hiểu ý nghĩa của mâm ngũ quả ngày Tết, dưới đây là các loại quả bày mâm ngũ quả ngày Tết thường gặp của 3 miền, cụ thể như sau:
2.1. Mâm ngũ quả ngày Tết miền Bắc
Mâm ngũ quả Tết miền Bắc sẽ tượng trưng cho ngũ hành (Kim, Mộc, Thuỷ, Hoả, Thổ), mang biểu tượng của sự cân bằng vũ trụ và mong muốn một năm mới hài hoà, trọn vẹn. Mâm ngũ quả chưng Tết miền Bắc sẽ gồm có các loại quả như sau:
- Nải chuối xanh: Những quả chuối to nằm trong cùng một nải tựa như bàn tay to với những ngón tay vươn dài như đang chở che, bao bọc 4 loại quả còn lại ở trên. Nải chuối sẽ tượng trưng cho sự sum vầy, mong muốn đoạn tụ và thể hiện tính đoàn kết của các thành viên trong gia đình.
- Cam, bưởi nguyên cành lá sum suê: Đây là hai loại quả có hình dáng tròn đầy làm liên tưởng đến sự đủ đầy, phúc lộc, sung túc, thịnh vượng và bình an.
- Trái phật thủ: Loại quả có hình dáng giống bàn tay Phật nên người dân tin rằng khi chưng loại quả này sẽ nhận được sự chở che của Phật, ban phước lành trong năm mới.
- Trái lựu: Đây là loại quả bên trong ruột có rất nhiều hạt và người ta chưng quả này với mong muốn con đàn cháu đống, gia đình thịnh vượng.
- Quất: Từ “quất” phát âm giống chữ “cát” trong tiếng Hán nên người dân tại miền Bắc luôn chưng quất với mong muốn gia đình luôn gặp may mắn và thành công cả năm.
2.2. Mâm ngũ quả ngày Tết miền Trung
Mâm ngũ quả ngày Tết miền Trung sẽ bày trí theo hướng đơn giản hơn, mang ý nghĩa một cuộc sống đầy đủ và sung túc. Các loại quả bày mâm ngũ quả ngày Tết của miền Trung sẽ gồm có:
- Trái Phật thủ: Là loại quả sở hữu kiểu dáng như bàn tay Phật với mong muốn cả gia đình sẽ luôn được Phật chở che, ban phước lành cả năm.
- Trái lựu: Bên trong quả có nhiều hạt thể hiện mong muốn con đàn cháu đống, gia đình đủ đầy trọn vẹn.
- Trái sung: Mang biểu tượng của sự sung túc về tiền bạc, sức khoẻ và tròn đầy.
- Trái lê: Đây là loại quả có vị ngọt dễ chịu, mang ý nghĩa làm gì cũng suôn sẻ, dễ dàng.
- Trái thanh long: “Thanh” có nghĩa là mây và “Long” có nghĩa là “rồng”. Vì vậy, thanh long có nghĩa là “rồng mây hội tụ”, thể hiện cho sự thăng tiến và làm ăn phát đạt.
- Trái táo: Đây là loại quả có màu đỏ tươi mang biểu tượng của sự may mắn và phú quý.
2.3. Mâm ngũ quả ngày Tết miền Nam
Mâm ngũ quả ngày Tết ở miền Nam sẽ được trang trí bắt mắt với các loại trái cây nhiệt đới nhiều màu sắc. Mâm ngũ quả ngày Tết miền Nam sẽ thể hiện mong muốn về một cuộc sống đủ đầy, sung túc và phát tài. Một số loại trái cây nhiệt đới mang ý nghĩa “cầu vừa đủ xài sung” trong mâm ngũ quả Tết miền Nam cụ thể như sau:
- Mãng cầu gai: Là loại quả đầu tiên với mong ước “cầu vừa đủ xài sung” hoặc “cầu sung vừa đủ xài” của người dân miền Nam. Trái mãng cầu gai mang ý nghĩa về những điều bình an, may mắn và sức khoẻ của mọi người trong gia đình.
- Dừa: Đây là cách đọc chữ “vừa” của người dân Nam Bộ, thể hiện mong muốn một cuộc sống sung túc, thịnh vượng và đủ đầy.
- Đu đủ: Giống như tên gọi, loại quả này thể hiện mong muốn một cuộc sống vừa đủ, không thiếu cũng không dư, đơn giản và ấm cúng, tiền vừa đủ dùng, thực phẩm vừa đủ ăn.
- Sung: Thể hiện mong muốn của người dân miền Nam về một cuộc sống sung túc, đủ đầy, viên mãn cả năm.
Nhìn chung, sự khác biệt giữa mâm quả ngày Tết 3 miền được thể hiện qua những yếu tố như sau:
- Các loại hoa quả: Mỗi vùng miền sẽ có những loại hoa quả đặc trưng, phù hợp với khí hậu và điều kiện tự nhiên để phát triển.
- Cách bày trí: Mâm ngũ quả miền Bắc thường được trang trí cầu kỳ với các loại hoa quả to và đa dạng. Mâm quả ngày Tết của miền Trung sẽ có phần đơn giản hơn, chủ yếu là các loại trái cây thuộc địa phương. Mâm ngũ quả ngày Tết miền Nam sẽ tươi tắn hơn với các loại trái cây đa sắc màu, tạo cảm giác thu hút.
- Ý nghĩa: Mặc dù cách bày trí và các loại hoa quả cả 3 miền đều có sự khác biệt nhưng nhìn chung sẽ cùng mang ý nghĩa mong cầu những điều tốt đẹp trong năm mới.
3. Cách bày mâm ngũ quả Tết đẹp của 3 miền
Cách trưng bày mâm ngũ quả ngày Tết sẽ tuỳ thuộc vào quan niệm và phong tục của mỗi vùng miền. Bạn có thể tìm hiểu cách bày mâm ngũ quả ngày Tết đẹp của 3 miền cụ thể như sau:
- Cách bày mâm ngũ quả ngày Tết miền Bắc đẹp: Trong mâm ngũ quả Tết miền Bắc, nải chuối xanh lúc nào cũng được đặt ở dưới cùng tựa như một bàn tay đang nâng đỡ. Điều này thể hiện mong muốn sự chở che và bảo vệ cho gia chủ. Tiếp theo, quả bưởi vàng và Phật thủ sẽ được đặt ở giữa nải chuối. Cuối cùng là các loại quả còn lại sẽ được xếp xung quanh mâm quả sao cho thật cân đối, hài hoà màu sắc phong thuỷ.
- Cách xếp mâm ngũ quả ngày Tết miền Trung: Mâm ngũ quả của miền Trung không có sự quy định rõ ràng trong cách bày trí nên mâm quả được trang trí khá đơn giản, không cầu kỳ. Đầu tiên, những quả có hình dáng to, nặng sẽ được xếp ở dưới cùng và những quả nhỏ sẽ được xếp phía trên sao cho mâm trái cây Tết được cân đối, vừa mắt.
- Cách chưng mâm ngũ quả ngày Tết miền Nam: Cách bày mâm ngũ quả ở miền Nam dù không quá cầu kỳ nhưng lại đòi hỏi sự cân đối và màu sắc. Các loại quả to, nặng và xanh sẽ được xếp ở phía dưới và những quả nhỏ đã chín thì đặt ở trên. Đặc biệt, bạn cần xếp mâm ngũ quả sao cho có kiểu dáng ngọn tháp và nếu có chưng thêm cặp dưa hấu đỏ thì cần được bày riêng ở hai bên mâm quả.
4. Những mẫu mâm ngũ quả Tết đẹp của 3 miền
Mâm ngũ quả ngày Tết là một phần quan trọng trong văn hoá ngày Tết của người Việt mang ý nghĩa về sự đoàn viên, sung túc và tốt đẹp. Mỗi vùng miền sẽ có cách trang trí mâm ngũ quả Tết khác nhau. Để bạn có thêm ý tưởng trang trí mâm trái cây Tết, hãy cùng xem qua những hình ảnh mâm quả ngày Tết đẹp nhất ngay dưới đây:
5. Những điều kiêng kỵ khi bày mâm ngũ quả ngày Tết
Ngoài việc tìm hiểu cách bày trí mâm ngũ quả ngày Tết của 3 miền, bạn cần lưu ý một số điều kiêng kỵ cụ thể như sau:
- Đối với người miền Nam, họ thường tránh chọn một số loại trái cây trong cúng kiếng cụ thể như lê, chuối, táo,… Vì theo quan niệm của họ, đây là những loại quả mang ý nghĩa không tốt, làm họ cảm thấy khó khăn trong công việc làm ăn và cuộc sống.
- Ngày Tết thường sẽ kéo dài nên khi mua hoa quả, bạn không nên chọn các loại trái cây quá chín để chưng mâm ngũ quả Tết. Nếu chọn trái cây quá chín thì dễ bị hư, bốc mùi, vừa mang cảm giác khó chịu, vừa mang đến những điều không may mắn trong năm mới.
- Cần chuẩn bị mâm ngũ quả Tết trước đêm 30 hoặc 29 Tết nếu là tháng thiếu.
- Khi trưng bày nên dùng trái cây thật và tuyệt đối không dùng trái cây giả vì điều này là thể hiện sự không thành kính với thần linh và tổ tiên.
Mâm ngũ quả ngày Tết không chỉ là một biểu tượng của sự đoàn viên gia đình mà còn là lời cầu chúc tốt đẹp đến ông bà tổ tiên. Mỗi loại quả đều được người Việt ta gửi gắm những mong muốn về một năm mới an khang, thịnh vượng. Nhờ đó, mâm ngũ quả Tết đã trở thành một nét đẹp văn hoá của dân tộc ta. Mong rằng với những chia sẻ trên của Mama’s Food sẽ giúp bạn có thêm những gợi ý trang trí mâm quả ngày Tết đẹp và ý nghĩa.
Tham khảo: