Những món ăn chống ngán ngày Tết hòa quyện cùng ẩm thực truyền thống như bánh chưng, giò chả,… được nhiều người săn lùng cho dịp cận Tết. Dưới đây là những món ăn giúp cho các bữa tiệc đầu năm thêm phong phú, giảm dầu mỡ, chống ngán rất ngon miệng mà bạn có thể tham khảo.
1. Cá chép om dưa
Cá chép om dưa là món ăn chống ngán ngày Tết rất phổ biến trong các bữa tiệc. Không chỉ vậy, món ăn này còn rất giàu dưỡng chất. Thịt cá chép được nấu trong nước dưa chua chua và thơm phức, khi ăn, thịt cá mềm tan trong miệng, không gây cảm giác ngán ngấy. Nước sốt cá sau khi nấu có thể được sử dụng để chấm rau sống, tạo thành một sự kết hợp hoàn hảo thanh mát thay cho các món ăn nhiều dầu mỡ.

Vì vậy, nếu bạn muốn có một bữa tiệc Tết đầy đủ các món ăn truyền thống, đừng quên thêm món cá chép om dưa vào danh sách nhé.
Nguyên liệu:
- Cá chép 500 gr
- Dưa chua 300 gr
- Đậu hũ chiên 200 gr
- Tóp mỡ 100 gr
- Cà chua bi 3 trái
- Hành tím 1 củ
- Chanh 1.5 trái
- Rau ăn kèm 1 ít
- (hoa chuối/ rau muống/ mồng tơi/ ngò gai)
- Nước cốt chanh 1 muỗng canh
- Dầu ăn 1 muỗng canh
- Nước mắm 2 muỗng canh
- Muối/ tiêu xay 1 ít
Cách chế biến:
- Sơ chế cá chép: Muối và chanh sẽ giúp khử mùi hôi của cá chép. Hãy chà xát mặt cá với 1 muỗng canh muối và 1 trái chanh, sau đó rửa sạch và cắt thành từng khúc.
- Sơ chế các nguyên liệu khác:
- Để làm cho sợi hoa chuối trắng tươi và sạch, hãy ngâm chúng trong 1/2 trái chanh vắt lấy cốt và 1 muỗng canh muối trong 1 tô lớn trong 5 phút, rửa sạch và để ráo.
- Rau muống, mồng tơi cũng cần được rửa sạch và để ráo. Để giảm độ mặn của dưa chua, hãy ngâm chúng trong tô nước lạnh trong 10 phút, rồi vớt ra để ráo.
- Ngò gai cần được nhặt bỏ phần gốc, rửa sạch và băm nhuyễn.
- Cắt cà chua và hành tím. Rửa sạch đậu hũ chiên và cắt thành miếng vuông vừa ăn.
- Chiên cá chép trên giấy bạc trong nồi không dầu ở 200 độ C trong vòng 10 phút.
- Om cá chép với dưa chua:
- Đun nóng 1 muỗng canh dầu ăn và phi hành tím khoảng 2 phút. Cho cà chua và dưa chua vào xào trong 3 phút, sau đó cho vào 1 chén nước lọc và 2 muỗng canh nước mắm.
- Xếp cá chép vào nồi, đổ nước sôi vào sao cho ngập hết cá và cho thêm đậu hũ và phần tóp mỡ. Nấu với lửa nhỏ trong 30 phút.
- Thêm tiêu xay và ngò gai, nêm nếm gia vị cho phù hợp và tắt bếp.
Xem thêm: Top 15+ món ăn ngày Tết ngon miệng, hấp dẫn từ 3 miền
2. Gỏi xoài thịt bò
Gỏi xoài thịt bò là món đơn giản nhưng rất ngon, có hương vị chua ngọt cay nồng hòa quyện với nhau rất hợp để là một món ăn chống ngán ngày tết. Thịt bò thơm ngọt, mềm tự nhiên cùng với xoài xanh, cà rốt bào sợi giòn tan tạo thành một món gỏi vô cùng hấp dẫn, kết hợp với nhau bằng nước sốt chua ngọt đậm đà. Vị chua ngọt của nước sốt chính là yếu tố quan trọng giúp gỏi trở thành món ăn chống ngán đầy dinh dưỡng trong dịp Tết.

Nguyên liệu:
- Bắp bò 300 gr
- Cà rốt 1/2 củ
- Xoài xanh 1 trái
- Rau thơm 100 gr (húng quế, ngò gai)
- Tỏi 4 tép
- Tỏi phi 1 muỗng cà phê
- Ớt 3 trái
- Nước cốt chanh 1.5 muỗng (hoặc giấm)
- Đậu phộng 10 gr
- Rượu trắng 1 muỗng canh
- Dầu ăn 2 muỗng canh
- Nước mắm 2 muỗng canh
- Gia vị (đường, hạt nêm, tiêu)
Cách chế biến:
- Sơ chế và ướp thịt bò:
- Để làm sạch và khử mùi hôi của bò, bạn có thể ngâm bò với 1 muỗng canh rượu trắng trong khoảng 10 phút, sau đó rửa lại với vài lần nước cho ráo.
- Tiếp theo, cắt thịt bò thành những lát mỏng vừa ăn và cho vào tô. Tiếp theo, ướp thịt bò với 1 muỗng cà phê hạt nêm, 1/2 muỗng cà phê tiêu và 1 muỗng cà phê tỏi phi. Trộn đều và ướp khoảng 15 – 20 phút để phần bò được thấm đều gia vị.
- Sơ chế nguyên liệu khác:
- Đầu tiên, bạn cần gọt vỏ và rửa sạch cà rốt và xoài xanh. Sau đó, dùng dao bào để bào sợi cà rốt và dùng miếng chắn cắt xoài thành những khúc nhỏ vừa ăn, với độ dày khoảng 1/2 lóng tay.
- Tiếp theo, cho 2 muỗng canh đậu phộng vào chảo và rang trên lửa nhỏ khoảng 10 phút cho đậu chín vàng, thơm ngon và vỏ dễ dàng bóc ra.
- Xào Thịt Bò:
- Để xào thịt bò, trước hết bạn cần cho 2 muỗng canh dầu ăn vào chảo và đun nóng. Sau đó, thêm phần bắp bò đã được ướp vào chảo và xào chín trên lửa vừa khoảng 10 phút.
- Pha nước trộn gỏi:
- Cho vào chén 2 muỗng nước mắm, 1.5 muỗng nước cốt chanh, 1 muỗng đường trộn đều cho hỗn hợp được hòa tan.
- Cho thêm ớt và tỏi băm, trộn đều.
- Trộn gỏi:
- Cho vào dĩa sâu lòng: bắp bò, cà rốt, xoài rồi cho từ từ một ít nước trộn đã pha vào, trộn đều hỗn hợp.
- Tiếp tục cho rau thơm, đậu phộng rang đã bóc sạch vỏ vào là hoàn thành.
3. Bắp bò ngâm mắm chua ngọt
Bắp bò ngâm mắm chua ngọt không chỉ là món ăn vặt hấp dẫn có thể dùng làm món chính trong bữa cơm gia đình hoặc món ăn để lai rai cùng bạn bè. Thịt bắp bò được thái thành miếng vừa ăn, ngọt và chắc, sau khi ngâm trong hỗn hợp nước mắm thơm phức sẽ thấm đều gia vị.
Khi ăn, vị ngọt tự nhiên của thịt bắp bò cùng vị cay nồng của ớt, vị đắng nhẹ của quế, hồi và vị cay của tỏi sẽ kích thích vị giác của thực khách. Với hương vị đậm đà đó, bắp bò ngâm mắm là món ăn rất được yêu thích và là món ăn chống ngán ngày Tết được nhiều gia đình chuẩn bị.

Nguyên liệu:
- 300gr bắp bò có gân
- 5gr gừng
- 1 củ tỏi
- 1 cái hoa hồi
- 4 nhánh tiêu xanh
- 5 trái ớt
- Gia vị: nước mắm, đường trắng, giấm
Cách chế biến:
- Rửa sạch thịt bò.
- Cho 300gr bắp bò, 1 cái hoa hồi, 2 tép tỏi đập dập, 5gr gừng cắt lát, 15ml giấm và 400ml nước lạnh vào nồi, luộc thịt đến khi mềm.
- Vớt bọt trong quá trình luộc thịt. Sau khi chín, rửa qua nước lạnh để thịt bò nguội.
- Trộn 100ml nước mắm, 100gr đường, 30ml giấm với 1 chén nước lọc trong chảo, đun đến khi sôi, tắt bếp và đợi cho nước mắm nguội.
- Cho thịt bò đã ngâm mắm bảo quản trong khoảng 4-5 ngày là có thể thưởng thức.
4. Củ quả luộc chấm kho quẹt
Món rau luộc khi chấm với kho quẹt sền sệt sẽ mang lại cho bữa cơm gia đình hương vị thanh mát của thiên nhiên cùng sự ngon miệng khó cưỡng.
Khi thưởng thức món rau củ luộc này với cơm trắng, cơm cháy, cháo,… bạn sẽ cảm nhận được hương vị đặc trưng của kho quẹt, làm cho món ăn trở nên hấp dẫn và thơm ngon hơn bao giờ hết và sẽ là món ăn chống ngán ngày Tết đầy mới mẻ mà bạn nên thử.

Nguyên liệu:
- 200 gram thịt ba chỉ
- 1/2 chén tôm khô nhỏ (~ 50 gram), rửa sạch.
- 4 muỗng canh nước mắm ngon.
- 4 muỗng canh đường.
- 4 muỗng canh nước.
- Một chút hạt tiêu.
- 1 muỗng canh hành tím, băm nhỏ.
- 1 muỗng canh tỏi, băm nhỏ.
- Vài nhánh hành lá, cắt nhỏ.
- 2-3 quả ớt
- Rau củ ăn kèm (tùy theo sở thích): Cà rốt, đậu bắp,súp lơ, mướp đắng,…
Cách chế biến:
- Lấy một tô nhỏ, trộn đều nước mắm, đường và nước lọc cho tan hoàn toàn.
- Lọc bỏ da của thịt ba chỉ và cắt thành miếng nhỏ.
- Đun nóng chảo đế dày, cho thịt ba chỉ vào xào, đảo đều tay để thủy động trở thành mỡ. Sau khi thịt chín vàng, lấy ra tô và loại bỏ nước mỡ.
- Sử dụng một nồi đất, cho 2-3 muỗng canh nước mỡ trên hoặc dầu ăn (tùy chọn), thêm hành và tỏi để phi thơm.
- Thêm tôm khô đã ngâm rửa sạch cùng với thịt vào chảo và đảo đều. Sau đó, cho vào hỗn hợp nước mắm, đường, hạt tiêu, ớt và đun lửa nhỏ.
- Khi nồi kho quẹt đã cô đặc lại và chuyển màu hổ phách, cho hành lá và hạt nêm vào khuấy đều và tắt bếp.
- Luộc chín các loại rau củ và trái cây theo từng loại và thưởng thức cùng kho quẹt.
5. Gỏi chân gà ngó sen
Món gỏi chân gà ngó sen là lựa chọn tuyệt vời cho bữa cơm đầu năm mới của gia đình. Ngó sen giòn giòn, chân gà dai dai được ướp gia vị chua ngọt, cay cay, tạo nên hương vị đậm đà và hấp dẫn. Không chỉ là món ăn ngon, gỏi chân gà ngó sen còn mang lại cảm giác đỡ ngán đồ dầu mỡ và sum vầy cho những người thưởng thức.

Nguyên liệu:
- Chân gà 500 gr
- Ngó sen 300 gr
- Cà rốt 200 gr
- Dưa leo 200 gr
- Ớt 1 trái
- Sả 4 nhánh
- Tắc 5 quả
- Gừng 1/3 củ
- Rau răm 2 nhánh
- Húng lủi 2 nhánh
- Tỏi 2 tép
- Nước mắm 1 muỗng canh
- Mè rang 1 muỗng canh
- Gia vị (Muối, tiêu, đường)
Cách chế biến:
- Sơ chế chân gà:
- Chân gà chặt bỏ móng, loại bỏ sạch phần da còn dư rồi rửa với muối và nước.
- Cắt chân gà thành khúc vừa ăn, rửa lại với nước rồi cho vào nồi luộc cùng với 1 gừng và sả trong khoảng 15 phút, vớt chân gà ra tô để nguội.
- Sơ chế các nguyên liệu khác:
- Ngó sen xé sợi, ngâm với nước muối loãng 10 phút rồi rửa sạch lại với nước.
- Cà rốt gọt vỏ, thái mỏng rồi ngâm với 1/2 muỗng muối, 1/2 muỗng đường trong khoảng 20 phút. Sau đó vắt cho ráo nước.
- Dưa leo rửa sạch với muối, thái lát mỏng. Cắt nhỏ rau răm, rau húng lủi.
- Ướp chân gà:
- Giã nhuyễn tỏi ớt, cho vào chén cùng với 1 muỗng nước mắm, 1 muỗng đường. Khuấy đều cho đường tan.
- Thêm 1/2 hỗn hợp trên vào tô chân gà, trộn đều cho thấm gia vị rồi ướp chân gà trong khoảng 15 phút.
- Trộn gỏi:
- Cho ngó sen, cà rốt vào tô lớn lớn. Sau đó cho chân gà vào trộn đều, thêm rau thơm và nước mắm cùng 1/2 muỗng tiêu.
- Trộn đều, vắt nước tắc cho vào, nêm nếm lại cho vừa với khẩu vị gia đình.
6. Gân bò trộn cóc non
Gân bò trộn cùng với cóc non, tạo nên sự kết hợp tuyệt vời của màu sắc và hương vị. Vị chua chua đặc trưng của cóc non, kết hợp hoàn hảo cùng với sự giòn dai của gân bò, cùng với hương vị cay nồng, mặn ngọt, khiến cho đầu lưỡi cực kì hài lòng và đê mê. Đây sẽ là món ăn chống ngán ngày Tết mà bạn nên thử ngay.

Nguyên liệu:
- Gân bò 300 gr
- Cóc non 300 gr
- Hành lá 4 nhánh
- Ớt hiểm 4 trái
- Gừng 5 gr
- Tỏi 4 tép
- Sả 2 nhánh
- Ớt bột 2 muỗng nhỏ
- Nước mắm 75 ml
- Giấm 50 ml
- Muối, đường
Cách chế biến:
- Sơ chế nguyên liệu
- 300gr cóc non bỏ cuống, rửa trực tiếp với nước sạch, để ráo, dùng dao bổ múi cau.
- Hành lá rửa với nước sạch, để ráo.
- Tỏi, gừng bỏ vỏ, rửa sạch, để ráo, rồi cùng bằm nhuyễn cùng ớt hiểm.
- Sả rửa sạch, để ráo, dùng dao cắt lát mỏng.
- Luộc gân bò
- Chà xát muối với gân bò, rửa lại vài lần với nước sạch, để ráo.
- Nấu 500ml nước, 1/2 muỗng muối, 4 nhánh hành và gân bò đã sơ chế với lửa nhỏ khoảng 30 phút.
- Khi gân bò chín mềm, cho ra tô nước đá ngâm trong vòng 5 – 7 phút. Tiếp đến, dùng dao cắt thành khúc vừa ăn.
- Pha nước mắm: 5 muỗng nước mắm, 50ml giấm, 70gr đường, 4 trái ớt hiểm băm nhuyễn, 4 tép tỏi, 5gr gừng, 2 nhánh sả, 2 muỗng cà phê ớt bột.
- Trộn gân bò: Lấy tô lớn cho toàn bộ phần cóc non, gân bò, nước mắm trộn đều đến khi các nguyên liệu được hòa quyện, thấm đều với nhau.
7. Gỏi cuốn tôm thịt
Món ăn truyền thống đặc trưng của miền Nam mang tên gỏi cuốn tôm thịt là sự pha trộn hoàn hảo giữa rau và tôm, thịt, tạo nên hương vị đặc biệt và hấp dẫn. Các loại rau xanh tươi mát được sử dụng trong món ăn này không chỉ giúp làm giảm cảm giác ngấy, mà còn mang đến một hương vị mới mẻ cho bữa ăn trong dịp Tết, đặc biệt là khi nhiều món ăn có chứa nhiều thịt và dầu mỡ.

Nguyên liệu:
- Thịt heo 300 gr
- Tôm 300 gr
- Hẹ 10 nhánh
- Ớt 2 trái
- Tỏi 1 củ
- Bún tươi 200 gr
- Bánh tráng mỏng 300 gr
- Nước cốt chanh 3 muỗng canh
- Rau ăn kèm
- Nước mắm 5 muỗng canh
- Muối/ đường
Cách chế biến:
- Sơ chế thịt heo
- Thịt heo rửa sạch với nước, dùng 1 ít muối chà xát miếng thịt rồi rửa lại với nước nhiều lần rồi để ráo.
- Đun thịt với lửa lớn cùng một ít muối trong 3 – 5 phút thì tắt bếp.
- Luộc thịt tầm 30 – 40 phút với một ít muối cho tới khi thịt chín mềm,để nguội rồi cắt thịt thành từng lát mỏng vừa ăn.
- Sơ chế tôm
- Tôm rửa sạch với nước.
- Luộc tôm với ở lửa vừa đến khi tôm chuyển màu đỏ. Bóc sạch vỏ.
- Cắt đôi tôm theo chiều dọc và bỏ chỉ bẩn trên lưng của tôm.
- Sơ chế các nguyên liệu khác
- Hẹ, rau sống rửa sạch với nước muối và nước sạch.
- Tỏi ớt băm nhuyễn.
- Cuốn gỏi
- Trải bánh tráng ra dĩa, thấm 1 ít nước lên bánh tráng, xếp rau sống, bún tươi, hẹ, thịt, tôm lên rồi cuộn các nguyên liệu lại ( cuộn chắc tay cuốn sẽ đẹp mắt hơn)
- Làm nước chấm
- Trộn hỗn hợp nước chấm: 2 muỗng đường, 2 muỗng nước lọc, 3 muỗng nước cốt chanh, 5 muỗng nước mắm khuấy đều.
- Cuối cùng phần tỏi, ớt đã băm nhuyễn vào là hoàn thành.
8. Canh chua cá diêu hồng
Món canh chua cá diêu hồng đậm đà với nước dùng chua ngọt từ me, cá được chế biến vừa chín, cùng sự kết hợp tuyệt vời của thơm, cà chua, đậu bắp, bạc hà và nước mắm chấm. Các loại rau đi kèm chứa nhiều vitamin và khoáng chất lợi cho sức khỏe khiến món ăn không chỉ thơm ngon hấp dẫn mà còn giàu chất dinh dưỡng. Bởi vậy, canh chua cá diêu hồng đã trở thành món ăn chống ngán ngày Tết được nhiều gia đình lựa chọn!

Nguyên liệu:
- Cá diêu hồng 1 con
- Cà chua 2 quả
- Thơm 1/4 trái
- Giá đỗ 1 ít
- Bạc hà 1 nhánh
- Đậu bắp 8 trái
- Me vắt 30 gr
- Ngò gai 4 nhánh
- Ngò ôm 4 nhánh
- Hành tím 1 củ
- Nước mắm 1 muỗng canh
- Dầu ăn 1 muỗng canh
- Gia vị (muối, đường, hạt nêm, tiêu,..)
Cách chế biến:
- Sơ chế nguyên liệu
- Thơm, hành tím và ngò rửa sạch với nước, cắt nhỏ.
- Cà chua đem cắt múi cau.
- Đậu bắp rửa sạch rồi cắt xéo.
- Pha me với 100ml nước nóng, dùng muỗng dằm me cho ra hết chất rồi lược bỏ hạt.
- Tước sạch vỏ bạc hà, ngâm nước muối trong khoảng 5 phút, rửa sạch lại với nước. Sau đó cắt vạt xéo khoảng 1 đốt tay.
- Sơ chế cá diêu hồng
- Cá diêu hồng đánh sạch vảy cá, bỏ vây, lấy sạch phần nội tạng bên trong, rửa và chà với muối khoảng 5 phút, sau đó rửa lại với nước sạch.
- Cắt cá thành các khoanh dày khoảng 2 đốt tay.
- Nấu canh
- Bắc nồi lên bếp và cho vào 1 muỗng dầu ăn, khi dầu nóng thêm hành tím vào phi thơm.
- Cho khoảng 2 lít nước vào nồi cho cá diêu hồng vào, nấu khoảng 8 – 10 phút.
- Cho cà chua, nước cốt me vào, nấu thêm 5 phút. Tiếp tục cho bạc hà, đậu bắp nấu thêm 5 phút.
- Nêm vào nồi 2 muỗng đường, 1 muỗng muối, 1 muỗng nước mắm, 1 muỗng hạt nêm, tiêu là hoàn thành món ăn.
9. Salad bắp cải cà rốt
Salad bắp cải cà rốt có vị giòn và mặn ngọt hài hòa, thơm ngon. Khi kết hợp với thịt gà ngày Tết, món salad này sẽ trở nên tuyệt vời hơn. Vị chua chua, cay cay của nước xốt kết hợp cùng vị giòn ngọt của bắp cải, cà rốt sẽ gạt đi sự chán ngán của những món ăn chứa quá nhiều protein trên mâm cỗ ngày Tết. Hơn nữa, bắp cải, cà rốt chứa nhiều vitamin A, C, K, chất xơ và khoáng chất thiết yếu cho cơ thể.

Nguyên liệu:
- Bắp cải 300 gr
- Cà rốt 70 gr
- Hành tây 100 gr
- Sốt Mayonnaise 3 muỗng canh
- Mù tạt 1 muỗng canh
- Giấm 1 muỗng canh
- Đường trắng 1 muỗng canh
Cách chế biến:
- Bắp cải và cà rốt thái sợi, hành tây thái lát.
- Trộn đều bắp cải, cà rốt và hành tây với một ít muối rồi vắt bớt nước.
- Cho sốt mayonnaise, giấm, mù tạt, đường vào trộn đều trong một tô mới.
- Cuối cùng, thêm bắp cải, cà rốt, hành tây đã vắt vào tô sốt trộn đều là xong.
10. Miến gà
Miến gà thơm ngon với thịt gà luộc mềm, miến dai dai, nấm hương thơm ngất ngây và măng khô mềm với mùi vị nhẹ nhàng đặc trưng. Đây chắc chăn là món ăn chống ngán ngày Tết cực ngon miệng, thay đổi khẩu vị cho bữa ăn mà chế biến lại đơn giản. Còn chần chừ gì nữa mà bạn không học ngay cách nấu miến gà chuẩn vị để thưởng thức và chiêu đãi mọi người.

Nguyên liệu:
- Gà 1/2 con (khoảng 800gr)
- Măng khô 200 gr
- Miến dong 250 gr
- Hành tím 5 củ
- Hành lá 4 nhánh
- Nấm hương 100 gr
- Dầu ăn 3 muỗng canh
- Nước mắm 1 muỗng cà phê
- Rượu trắng
- Gia vị
Cách chế biến:
- Sơ chế nguyên liệu
- Thịt gà chà xát với rượu trắng khoảng 10 phút, rửa sạch lại với nước.
- Ngâm măng khô qua đêm cho mềm rồi rửa với nước cho sạch, chần sơ qua nước sôi cho măng bớt hăng, xé sợi nhỏ vừa ăn.
- Nấm hương ngâm trong 30 phút, cắt bỏ cuống nấm, rồi rửa lại và vắt khô.
- Hành tím lột vỏ, rửa sạch.
- Luộc gà
- Luộc gà cùng 1 muỗng muối, 1 muỗng bột ngọt, 4 củ hành tím trong 35 – 40 phút.
- Xào măng
- Đun nóng 3 muỗng canh dầu ăn, cho hành tím cắt nhỏ vào phi thơm.
- Cho măng đã sơ chế vào xào, nêm vào măng 1/2 muỗng muối, 1/2 muỗngbột ngọt và đảo đều.
- Kế đến, thêm 1 muỗng nước mắm, 1 muỗng đường rồi cho nấm hương vào và tiếp tục xào trong 3 – 5 phút.
- Chần miến
- Ngâm miến dong trong nước lạnh 5 – 7 phút, sau đó ráo miến.
- Cho nước sôi vào miến và chần 2 – 3 phút.
- Nấu nước dùng gà
- Gà đã chín, chặt miếng vừa ăn.
- Cho măng và nấm hương xào vào nước luộc gà, nêm vào nồi 2 muỗng muối, 2 muỗng bột ngọt, 2 muỗng hạt nêm, 2 muỗng đường, nấu thêm 5 – 10 phút là hoàn thành.
Cùng với 10 công thức các món ăn chống ngán ngày Tết trong bài viết này, Mama’s Food chúc bạn chuẩn bị được những món ăn thơm ngon, thanh đạm cho bản thân và gia đình trong dịp Tết Nguyên Đán năm nay. Và đừng quên đón chờ những bài viết mới từ Mama’s food nhé!