Trò chơi dân gian ngày Tết không chỉ là trò chơi giải trí mà còn là nét đẹp văn hoá của dân tộc Việt Nam. Mỗi trò chơi sẽ có những điểm thú vị riêng, gắn liền với văn hoá và đời sống của vùng miền, dân tộc đó. Hãy cùng Mama’s Food theo dõi và khám phá những trò chơi ngày Tết vui nhộn, mang đậm bản sắc 3 miền qua bài viết sau.
Ô ăn quan
Ô ăn quan còn có tên gọi khác là ô quan hoặc ô làng, là trò chơi dân gian Tết gắn liền với tuổi thơ của nhiều người. Chơi ô quan giúp rèn luyện tính kiên trì, tính toán và ghi nhớ cho người chơi. Vì vậy, đây là trò chơi được cả trẻ nhỏ lẫn người lớn đặc biệt yêu thích.
Trò chơi ô ăn quan xuất hiện tại Việt Nam từ khi nào và nguồn gốc ra sao thì đến nay vẫn chưa có lời giải đáp. Có thể thấy rằng, đây là trò chơi dân gian đã có mặt tại Việt Nam từ rất lâu đời. Trò chơi mang ý nghĩa về toán học, được thể hiện trong tác phẩm của Trạng Nguyên Mạc Hiển Tích. Câu chuyện nói về các phép tính có trong trò chơi ô ăn quan.
Luật chơi cơ bản
- Người chơi sẽ dùng tất cả quân trong một ô bất kỳ thuộc 5 ô vuông dưới quyền kiểm soát của người đó. Tiếp theo, sẽ lần lượt rải quân vào các ô với mỗi ô là một quân. Có thể bắt đầu từ ô gần nhất, có thể rải xuôi hoặc ngược theo chiều kim đồng hồ.
- Sau khi rải hết các quân, nếu liền sau đó là một ô vuông có chứa quân. Tiếp tục dùng những quân đó để rải tiếp theo chiều mà người đó chọn. Trong trường hợp ô liền sau là ô trống (không phân biệt ô quan hay dân), tiếp đến là ô chứa quân. Lúc này người chơi sẽ được ăn hết số quân trong ô đó.
- Trò chơi kết thúc khi toàn bộ dân và quan ở hai ô quan bị ăn hết. Người thắng sẽ có tổng số dân quy đổi nhiều hơn. Tuỳ theo luật chơi của mỗi địa phương nhưng phổ biến nhất là 1 quan có thể đổi thành 10 hoặc 5 dân.
Trò chơi kéo co ngày Tết
Kéo co là một môn thể thao và cũng là trò chơi Tết dân gian khá lâu đời, được gìn giữ cho đến nay. Kéo co không chỉ là môn thể thao rèn luyện sức khoẻ mà còn là trò chơi Tết xưa mang tính đồng đội, giải trí cao.
Ở Việt Nam, di sản kéo co được UNESCO công nhận tại 4 nơi là Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Lào Cai, Hà Nội. Theo các nhà nghiên cứu văn hoá, trò chơi kéo co bắt nguồn từ nghi lễ cầu mùa của người dân trồng lúa. Từ đó, họ thực hiện trò chơi và nghi lễ nông nghiệp cổ truyền để cầu mùa màng, mưa thuận gió hoà.
Luật chơi cơ bản
Người chơi sẽ chia làm hai phe, mỗi phe sẽ dùng sức và kéo cho đến khi phe đối thủ ngã về phía mình. Giữa sợi dây thừng sẽ buộc sợi dây đỏ và bên nào kéo đoạn dây có buộc dây đỏ sang vạch của mình trước là thắng cuộc.
Bịt mắt bắt lợn
Ở một số vùng quê miền Bắc, người dân thường tổ chức trò chơi bịt mắt bắt lợn. Đây là một trong những trò chơi dân gian ngày Tết xưa thú vị, mang lại tiếng cười cho mọi người. Đây là trò chơi lâu đời của người Thái thuộc vùng Tây Bắc và thường được tổ chức vào ngày Tết.
Luật chơi cơ bản
Để tổ chức trò chơi, người chơi sẽ chuẩn bị một khoảng sân rộng tầm 25m2 được rào xung quanh. Mỗi lượt sẽ có 1 người chơi bị bịt mắt rồi nghe theo chỉ dẫn của khán giả, bắt những chú lợn được thả trong khoảng sân đó. Người chơi nào bắt được lợn trong thời gian nhanh nhất sẽ thắng cuộc.
Thi thổi cơm
Thi thổi cơm là trò chơi ngày Tết xưa, thường được tổ chức trong các lễ hội đầu năm. Trò chơi phản ánh đời sống lao động của người nông dân trồng lúa ở Việt Nam. Hơn nữa, trò chơi này còn là bản sắc văn hoá dân tộc cần gìn giữ.
Luật chơi cơ bản
- Trò chơi được tổ chức ở các bãi đất trống ở sân đình hoặc sân vận động. Mỗi đội chơi sẽ chuẩn bị một cây gậy dài tầm 3m để làm đòn gánh niêu cơm, một đoạn dây thép để làm giá đỡ. Một số vật dụng cần chuẩn bị khác gồm niêu đất, gạo 4-5 cây củi, dụng cụ đốt lửa. Khi trò chơi bắt đầu, các đội chơi sẽ vừa đi vừa nấu cơm.
- Họ sẽ thực hiện các thao tác gồm nhóm lửa, vo gạo, treo nồi cơm. Mỗi đội sẽ có 4 người gồm 2 người gánh nồi, 1 người nấu cơm và 1 người cầm củi. Khi trò chơi kết thúc, đội nào được trọng tài đánh giá là cơm dẻo, ngon, nấu nhanh sẽ thắng cuộc.
Nhảy bao bố
Nhắc đến trò chơi dân gian ngày Tết thì không thể nào thiếu trò nhảy bao bố. Không những thế, chúng ta còn bắt gặp trò này ở các hội thao trường, lễ hội truyền thống,… Đây là trò chơi giúp rèn thể lực, sự khéo léo và mang đến bầu không khí đoàn kết, vui vẻ cho tập thể.
Nhảy bao bố là trò chơi dân gian Tết dành cho mọi lứa tuổi và rất phổ biến trong sinh hoạt đội nhóm. Trò chơi có mặt ở nhiều quốc gia khác nhau và ở Việt Nam, đây là một trò chơi Tết có từ lâu đời. Không ai biết rõ chính xác trò chơi xuất hiện khi nào nhưng nó vẫn được lưu truyền và gìn giữ cho đến nay.
Luật chơi cơ bản
- Với nhóm người chơi ít, trọng tài sẽ chia người chơi thành 2 đội. Nếu nhóm nhiều người chơi, sẽ được chia làm 3-4 đội sao cho số lượng người chơi bằng nhau.
- Trước khi chơi, cần chia vạch mốc xuất phát và một vạch để làm điểm quay đầu. Mỗi đội sẽ được phát một bao bố loại 100kg và mỗi đội sẽ cùng xếp một hàng dọc trước vạch xuất phát.
- Khi bắt đầu, người đứng đầu của mỗi đội sẽ bước vào bao bố, hai tay sẽ giữ chặt miếng bao. Khi trọng tài ra hiệu thì sẽ bắt đầu nhảy. Người chơi sẽ có nhiệm vụ nhanh chân nhảy từng bước một đến vạch phía trước rồi quay đầu, đưa bao cho người thứ hai. Người chơi cứ tiếp tục lần lượt và đội nào về trước sẽ chiến thắng.
Ném còn
Ném còn là một trong những trò chơi vào ngày Tết còn có tên gọi khác là ném tung. Đây là trò chơi dân gian Tết gắn liền với đời sống của các đồng bào dân tộc Mường, Thái thuộc vùng Tây Bắc. Ném còn tổ chức vào những dịp đầu năm nhằm tạo bầu không khí ngày Tết sôi động, kết nối mọi người với nhau.
Luật chơi cơ bản
- Sân chơi ném còn sẽ là một bãi đất rộng, ở giữa có đặt một cây tre cao, trên đỉnh sẽ có vòng tròn gọi là khung còn. Quả còn sẽ to bằng nắm tay trẻ con, khâu bằng vải màu, bên trong có nhồi hạt bông, thóc. Xung quanh quả còn sẽ là các tua vải nhiều màu giúp định hướng quả còn có thể bay.
- Khi bắt đầu trò chơi, người chơi sẽ đứng đối mặt nhau qua cây còn. Ai ném được quả còn lọt qua khung còn sẽ là người chiến thắng.
Đua thuyền
Đua thuyền là trò chơi dân gian ngày Tết đã tồn tại ở Việt Nam từ rất lâu. Trò chơi được xem là một hình thức thực hiện nghi lễ với thuỷ thần. Đua thuyền có nguồn gốc từ đồng bào dân tộc Thái thuộc huyện Quỳnh Nhai, tỉnh Sơn La. Theo quan niệm của người địa phương, những ai chèo thuyền giỏi sẽ thuận lợi trong công việc làm ăn và sinh sống.
Luật chơi cơ bản
Mỗi chiếc thuyền sẽ được treo cờ và trang trí với nhiều màu sắc khác nhau. Khi bắt đầu hiệu lệnh, các đội thi sẽ dùng sức để chèo và làm sao cho thuyền về đích đầu tiên.
Rồng rắn lên mây
Rồng rắn lên mây là trò chơi dân gian ngày Tết cho trẻ em đơn giản nhưng rất thú vị. Trò chơi sẽ giúp bé rèn luyện sự nhanh nhẹn, thể hiện tinh thần đoàn kết từ bé.
Trò chơi xuất hiện tại Việt Nam từ lâu đời và chưa rõ từ khi nào. Tuy nhiên, dựa theo nghiên cứu văn hoá, nguồn gốc trò chơi xuất phát từ hiện tượng trùng tang. Cụ thể, nếu trong nhà có người mất đúng giờ trùng, thần trùng sẽ quay về bắt những người thân trong gia đình.
Bài đồng dao “Rồng rắn lên mây” như đang mô tả khung cảnh cúng giải trùng. Người thầy thuốc chính là thầy cúng, rồng rắn chính là người nhà nối đuôi nhau. Người đứng đầu sẽ được thầy cúng dặn dò kỹ cách đối đáp. Họ không được tiết lộ các thông tin như nhà ở đâu, bao nhiêu người, có bà con thân thích không. Vì theo quan niệm xưa, nếu trả lời thì thần trùng sẽ đến bắt người.
Luật chơi cơ bản
Một đội chơi sẽ gồm khoảng 6-12 thành viên cùng ôm eo nối đuôi nhau để đóng vai rồng rắn, người còn lại sẽ đóng vai chủ nhà/thầy thuốc.
Tất cả người chơi sẽ đọc to bài đồng dao và chủ nhà sẽ chọn một khúc để rượt đuổi, có thể là khúc đầu, giữa hoặc cuối và những khúc còn lại sẽ bảo vệ đến cùng. Sau đó, đoàn rồng rắn sẽ tiếp tục bài đồng dao cho đến khi chủ nhà bắt hết trùng.
Cá sấu lên bờ
Cá sấu lên bờ là trò chơi ngày Tết cho học sinh khá quen thuộc đòi hỏi sự đoàn kết, nhanh nhẹn và thể lực tốt. Đây là trò chơi dân gian ngày Tết đã có từ lâu, không ai biết rõ nguồn gốc và thời gian. Tuy nhiên, cách chơi trò này sẽ được truyền miệng từ anh chị em trong nhà hoặc bạn bè với nhau.
Luật chơi cơ bản
- Trước khi bắt đầu, tất cả người chơi sẽ oẳn tù tì, người thua cuối cùng sẽ đóng vai cá sấu.
- Không gian trò chơi sẽ được chia ra “trên bờ” và “dưới nước”. Nếu có những nơi như thềm nhà, bồn hoa, bậc thang thì sẽ quy định là bờ. Nếu không, bạn có thể kẻ những khu vực rộng tầm 3m để làm bờ.
- Khi bắt đầu, người chơi “cá sấu” sẽ có nhiệm vụ đuổi bắt hoặc chạm vào ai đi lại hoặc thò chân xuống nước. Người chơi nào bị “cá sấu” bắt được thì sẽ phải thay thế làm “cá sấu”.
Đấu vật
Đấu vật là trò chơi dân gian dân gian ngày Tết mang tính cổ truyền thường được tổ chức các tỉnh miền Bắc. Trò chơi thường được tổ chức dưới dạng các hội vật vào tháng Giêng âm lịch và là nét văn hoá báo hiệu mùa xuân sắp về.
Về nguồn gốc của trò chơi, theo truyền thống, ở thế kỷ I, nữ tướng Lê Chân đã dùng môn vật để chiêu binh. Từ đó, làng Mai Động (nay thuộc quận Hoàng Mai, Hà Nội) mỗi khi mở hội vật đều sẽ xin phép bà. Đồng thời, lễ hội còn được xem như lễ tưởng niệm về bà từ thuở trước.
Luật chơi cơ bản
Những người tham gia đô vật sẽ cởi trần và đóng khố, sàn đấu sẽ là một vòng tròn rộng ở bãi đất trống. Khi bước lên sàn, hai người sẽ dùng tay và sức để vật nhau. Người thắng cuộc sẽ là người vật được đối phương và đẩy người kia ra khỏi vòng tròn thi đấu.
Trò chơi đánh đu ngày Tết
Đánh đu là một trong các trò chơi dân gian dịp Tết đòi hỏi sự khéo léo, nhanh nhẹn, sự phối hợp ăn ý của hai người chơi. Đây là trò chơi dân gian ngày Tết diễn ra vào mùa xuân, thường dành cho cặp trai gái trong làng. Đây là trò chơi phổ biến ở vùng đồng bằng Bắc Trung Bộ tại làng Quảng Xá, mang nét độc đáo riêng biệt.
Luật chơi cơ bản
Có nhiều cách chơi đánh đu nhưng phổ biến nhất là đu đơn hoặc đu đôi. Đu đơn nữ sẽ thể hiện sự nhịp nhàng, nhẹ nhàng và duyên dáng. Đu đơn nam sẽ thể hiện sự mạnh mẽ, bay bổng và thường đu khá cao.
Trò chơi cờ người
Cờ người là trò chơi dân gian ngày Tết dựa trên luật chơi của cờ tướng. Điểm khác biệt của trò chơi sẽ là dùng người để thay thế các quân cờ. Bàn cờ sẽ là khu đất rộng bằng phẳng và có vẽ các ô cờ tướng tiêu chuẩn.
Đây là trò chơi có nguồn gốc từ đồng bằng Bắc Bộ và được phát triển mạnh ở các làng, xã trên cả nước. Cờ người là trò chơi đấu trí, một bộ môn thể thao trí tuệ thể hiện tính tập thể và trách nhiệm của người cầm quân.
Luật chơi cơ bản
Khi các quân cờ vào vị trí, một hồi trống sẽ nổi lên, hai đấu thủ sẽ mặc áo dài, khăn xếp sẽ giới thiệu danh tính. Mỗi người sẽ cầm một cây cờ đuôi nheo nhỏ để chỉ huy trận đấu. Đấu thủ sẽ cầm quân đỏ đi trước, tiếp theo sẽ là quân đen rồi cứ thay phiên theo thứ tự cho đến hết.
Bầu cua tôm cá
Bầu cua tôm cá là trò chơi dân gian ngày Tết không thể thiếu của nhiều gia đình. Trò chơi mang tính chất thử vận may đầu năm với mong muốn phát tài, phát lộc. Tuy nhiên, do biến tướng nên đã dần trở thành hình thức cờ bạc tại Việt Nam. Trò chơi bầu cua tôm cá có nguồn gốc từ Trung Quốc, luật chơi khá giống với “Chuck-a-chuck” hoặc “Crown and Anchor” ở phương Tây.
Luật chơi cơ bản
- Đầu tiên, cần phải chọn ra “Nhà cái” để điều hành trò chơi. Trò chơi có thể chia thành nhiều lượt và không giới hạn số lượng người chơi.
- Người chơi có thể chọn một hoặc nhiều linh vật mà mình muốn rồi đặt tiền cược vào ô của linh vật đã chọn.
- Tiếp theo, “Nhà cái” sẽ bỏ 3 viên xúc xắc vào rồi xóc mạnh, lật úp bát để giữ bí mật.
- Khi người chơi cược xong, “Nhà cái” sẽ công bố kết quả rồi trả tiền cho người đó nếu linh vật đó xuất hiện.
Vậy là Mama’s Food đã tổng hợp những trò chơi dân gian ngày Tết vui, mang đậm nét đặc trưng 3 miền. Hy vọng với những chia sẻ trên sẽ giúp bạn tìm được trò chơi ngày Tết ưng ý để tham gia cùng gia đình và bạn bè.
Bên cạnh việc lựa chọn những trò chơi thú vị, việc chuẩn bị những món quà Tết ý nghĩa cũng là một cách tuyệt vời để thể hiện tình cảm với gia đình và bạn bè. Tại Mama’s Food, bạn sẽ tìm thấy vô vàn những hộp, giỏ quà Tết đa dạng với nhiều mức giá khác nhau, chắc chắn sẽ làm hài lòng cả người tặng lẫn người nhận.