Đối với người Việt, bánh chưng bánh giầy dường như đã trở thành một phần không thể thiếu trong mâm cỗ ngày Tết. Bánh chưng Tết không chỉ được yêu thích bởi hương vị thơm ngon, mộc mạc mà còn chứa đựng những ý nghĩa sâu xa, tình cảm và mong ước mà mỗi người về một cái Tết đầm ấm. Cùng MamaFood tìm hiểu những điều thú vị xoay của loại bánh truyền thống này nhé!
1. Nguồn gốc của bánh chưng bánh giầy
Có lẽ bánh chưng Tết đã không còn xa lạ với người Việt mỗi khi Tết đến, xuân về. Đi đến đâu bạn cũng sẽ bắt gặp hình ảnh dăm ba chiếc bánh chưng, bánh giầy hiện diện trên mâm cỗ mỗi nhà. Nhưng bạn có biết nguồn gốc của chúng bắt nguồn từ đâu không?
Theo truyền thuyết, sau khi đánh thắng giặc Ân để tỏ lòng với tổ tiên, Vua Hùng thứ 6 đã truyền lệnh cho tất cả các hoàng tử của mình dâng lên lễ vật cúng thần linh tổ tiên. Trong đó, nếu ai dâng được lễ vật quý giá, ý nghĩa nhất, nhà vua sẽ truyền lại ngôi báu.
Lệnh sau khi được ban ra, tất cả các hoàng tử đều tranh nhau tìm kiếm những món ngon, vật lạ quý hiếm trên đời để dâng lên cho Vua cha. Tuy nhiên, Lang Liêu – chàng hoàng tử thứ 18, có tính cách thuần hậu, hiếu thảo nhưng do mẹ mất sớm, lại không được sủng ái nên khá nghèo. Chàng không có điều kiện tìm kiếm những của ngon, vật lạ chí bảo như các anh trai.
Tuy nhiên, trong một lần nằm ngủ chàng đã được các vị thần mách bảo: “Vạn vật trên trời đất không có gì quý bằng gạo, thức ăn nuôi sống người. Hãy lấy gạo nếp làm thành những chiếc bánh hình vuông – tượng trưng cho đất, hình tròn – tượng trưng cho trời. Sau đó lá dong bọc bên ngoài, nhân thịt mỡ bên trong để thể hiện hình tượng bao bọc, yêu thương của cha mẹ – đấng sinh thành.”
Khi thức dậy, Lang Liêu thực hiện theo chỉ dẫn của vị thần và làm những chiếc bánh đặc biệt này để dâng lên Vua Hùng. Vua thử thấy ngon và tò mò về ý nghĩa của những chiếc bánh này. Khi Lang Liêu kể về giấc mơ và ý nghĩa đằng sau chúng, Vua cha cảm động và quyết định đặt tên cho những chiếc bánh này là “bánh chưng, bánh giầy” và truyền lại ngôi báu cho chàng.
Và cũng từ đó, cứ mỗi dịp Tết, Vua Hùng lại ra lệnh cho dân chúng làm hai loại bánh này dâng lên tổ tiên, để cầu mong sự bảo hộ của tổ tiên và cầu chúc một năm mới thuận lợi, thành công. Truyền thống gói bánh chưng Tết cũng được lưu giữ đến tận ngày nay và trở thành một nét đẹp không thể thiếu trong ngày Tết của người Việt.
2. Ý nghĩa bánh chưng trong ngày Tết cổ truyền
Cùng với truyền thuyết về chàng hoàng tử Lang Liêu, bánh chưng bánh giầy gói ghém trong mình trọn vẹn những ý nghĩa sâu xa về nền văn minh nông nghiệp lúc bấy giờ. Sử dụng những nguyên liệu nấu ăn truyền thống của người Việt, từng chiếc bánh chưng Tết vuông vắn được bao bọc cẩn thận bằng từng chiếc lá dong xanh tươi, bên trong lớp nếp mềm dẻo là nhân thịt mỡ và đậu xanh béo ngậy.
Chính vì thế, những chiếc bánh chưng xuất hiện trong mâm cỗ dâng lên thần linh, tổ tiên như gợi nhớ về công ơn, sự bảo vệ của họ với chúng ta. Đồng thời, cũng là cầu mong một năm mới an lành, mùa màng bội thu.
Không những vậy, hình dáng lá dong bao bộc chiếc bánh chưng Tết trở thành biểu tượng của sự che chở, bảo vệ của cha mẹ với con cái. Vì thế, cách gói bánh chưng ăn ngày Tết còn chứa đựng ý nghĩa về tình thân, chữ hiếu của con cái với đấng sinh thành.
Khoảnh khắc giao mùa, các thành viên trong gia đình cùng sum vầy, quây quần bên nhau từ ông bà, cha mẹ, con cháu để gói nên chiếc bánh chưng ăn ngày Tết dường như đã trở thành nét đẹp trong hồi ức của từng người con đất Việt. Đây còn là sợi chỉ gắn kết thế hệ, cần được gìn giữ và phát huy.
Xem thêm: Ý nghĩa phong tục gói bánh tét ngày Tết của người miền Tây
3. Nguyên liệu làm bánh chưng
Bánh chưng Tết sử dụng nguyên liệu vô cùng đơn giản, chỉ là những thực phẩm trong cuộc sống hằng ngày của người Việt. Bao gồm như:
- 700g Gạo nếp cái hoa vàng: Chọn gạo mới, hạt tròn to và đều nhau để bánh sau khi thành hình các nếp bánh đều và đẹp nhất.
- 200g Đậu xanh: Đậu nên chọn loại đậu mới, đã trút vỏ, màu vàng tươi.
- 15g Thịt ba chỉ: Để bánh ngon nhất, bạn nên chọn thịt và mỡ dày đều nhau, lớp da mỏng để tránh cảm giác ngấy khi thưởng thức.
- 4 Lá dong: Nên chọn lá bánh tẻ, loại không non quá cũng không già quá.
- Lá dứa: Chọn lá tươi, dài và xanh. Xay hoặc giã nhuyễn lấy nước để ngâm với gạo nếp.
- 1 bó lạt tre (hoặc lạt giang)
- Gia vị: muối, hạt nêm, tiêu
4. Cách gói bánh chưng Tết đơn giản
Mặc dù nguyên liệu khá đơn giản, nhưng cách gói bánh chưng Tết lại vô cùng cầu kỳ, thể hiện sự khéo léo của người phụ nữ Việt. Cùng MamaFood theo dõi các bước gói bánh chưng Tết sau đây nhé!
Bước 1: Sơ chế nguyên liệu
- Nếp cái hoa vàng sau khi mua về nên ngâm với lá dứa để bánh sau khi hoàn thành có mùi thơm và màu xanh đẹp mắt. Nên ngâm nếp qua đêm hoặc ít nhất là 4 tiếng trước khi làm. Gạo nếp sau khi ngâm xong cho ra rổ, để ráo nước. Sau đó, cứ mỗi kg gạo trộn đều với 1 thìa muối (Khoảng 15g) để bánh được đậm đà hơn.
- Đậu xanh sau khi mua về cũng ngâm trước với nước qua đêm hoặc ít nhất 4 tiếng và trộn với muối.
- Thịt ba chỉ rửa sạch, sơ chế và trộn với gia vị muối, tiêu, đường sao cho vừa ăn. Tùy vào khẩu vị mỗi người, bạn có thể chọn dạng ba chỉ nhiều mỡ hay ít mõ.
Bước 2: Gói bánh chưng Tết
- Chuẩn bị khuôn vuông để gói bánh, chiếc khuôn này sẽ giúp bánh vuông vắn và đẹp mắt hơn. Xếp vào đáy khuôn 4 lá dong, gấp các cạnh dưới, cạnh trái lên trên để tạo nếp gấp cho lá.
- Sau đó, cho nếp lên trên, trải đều và chừa một phần lõm ở giữa. Cho tiếp lần lượt đậu xanh, thịt và đậu xanh. Để chiếc bánh chưng ăn ngày Tết ngon, đẹp mắt nhất, bạn nên canh gạo, đậu xanh và thịt theo theo tỉ lệ 4 gạo: 1 đậu xanh: 1,5 – 2 lạng thịt.
- Cuối cùng, rải lên mặt một lớp gạo nếp sao cho lớp gạo che đều hết lớp nhân bên trong. Sau đó, gấp các nếp lá lại, dùng lạt buộc bánh lại. Lưu ý buộc lạt vừa phải, tránh buộc quá chặt vì bánh chưng sẽ còn nở ra trong quá trình nấu.
Bước 3: Luộc bánh
- Để tránh cháy bánh trong quá trình luộc, bạn nên lót dưới đáy nồi một lớp cuốn lá dong. Sau đó, xếp bánh lần lượt vào nồi một cách ngay ngắn và kín, để tránh bánh dịch chuyển, xô đẩy nhau trong quá trình luộc khiến bánh nứt, méo mó.
- Đổ nước ngập mặt bánh đã xếp và đun sôi cho đến khi bánh chín. Thông thường, đối với bánh chưng Tết kích thước nhỏ, thời gian nấu khoảng 5 giờ, còn với bánh to, bạn sẽ cần nhiều thời gian hơn khoảng 8 đến 10 giờ.
- Trong quá trình luộc bánh, bạn cần canh và bổ sung nước thường xuyên, tránh để nước sôi cạn. Sau khi bánh chín một nửa, nên vớt bánh ra và thay toàn bộ nước mới và tiếp tục luộc.
- Sau khi luộc xong, lấy bánh ra và cho vào xô nước lạnh để hạ nhiệt và rửa sạch nhựa trên bánh. Sau đó, vớt bánh ra và để ráo là có thể thưởng thức.
5. Cách bảo quản bánh chưng ngày Tết
Bánh chưng Tết sau khi luộc chín có thể bảo quản từ 7 đến 10 ngày trong điều kiện bình thường, nơi khô ráo thoáng mát. Tuy nhiên, thời gian bảo quản này còn phụ thuộc rất nhiều vào cách gói bánh, sơ chế bánh sau khi luộc.
Sau đây là những lưu ý bạn cần biết để bảo quản bánh được lâu nhất mà vẫn giữ được hương vị thơm ngon, đậm đà vốn có của bánh chưng Tết:
- Công đoạn lựa chọn nguyên liệu rất quan trọng để đảm bảo hương vị và thời gian bảo quản của bánh. Nên lưu ý chọn nguyên liệu còn tươi mới để bánh giữ được lâu nhất.
- Lá dong trước khi gói bánh cần rửa sạch, để ráo hoặc có thể luộc để tăng thời gian bảo quản bánh.
- Bánh sau khi luộc cần được vớt ra và ngâm vào nước lạnh khoảng 20 phút để hạ nhiệt. Sau đó, dùng tay rửa sạch nhớt trên bánh, vớt ra để ráo. Tiếp đến, dùng vật nặng đè lên bánh trong vòng 5 đến 8 giờ để ép hết nước trong bánh ra, giúp bánh không bị nhão và giữ được lâu hơn.
- Bánh sau khi ra lò, có thể treo lên và bảo quản trong điều kiện bình thường, ở nơi thoáng mát và tránh ánh nắng trực tiếp từ mặt trời. Ngoài ra, bạn có thể sử dụng túi hút chân không để giúp bánh chưng Tết không bị vi khuẩn, mối mọt xâm nhập trong quá trình bảo quản.
- Để giữ bánh chưng ăn ngày Tết lâu hơn, bạn có thể bảo quản bánh trong ngăn mát tủ lạnh ở nhiệt độ từ 5 – 8 độ C. Với cách bảo quản này bạn có thể sử dụng bánh tối đa từ 15 đến 10 ngày. Tuy nhiên, khi này bánh sẽ cứng lại nên cần hấp nóng hoặc chiên lên mới có thể thưởng thức.
Trên đây là tất tần tật những thông tin về bánh chưng Tết mà MamaFood muốn gửi đến bạn. Chiếc bánh chưng đơn điệu nhưng chứa đựng những ý nghĩa sâu xa này vẫn luôn giữ vững vị trí trong lòng mỗi người Việt về một cái Tết ấm no, an lành và sung túc. Hãy luôn giữ gìn truyền thống quý giá của dân tộc, để tự hào với bạn bè năm châu về nét đẹp văn hóa của chúng ta nhé!
Và đừng quên, ghé MamaFood để tham khảo những món quà Tết ý nghĩa cho những người thân yêu, để cái Tết thêm vẹn tròn, đủ đầy.