Tết Đoan Ngọ là một trong ngày lễ truyền thống của người Việt ta, trong ngày này, mọi người thường tổ chức lễ cúng trời đất, tổ tiên. Nhưng bạn đã thật sự biết hết về Tết Đoan Ngọ hay mâm cúng Tết Đoan Ngọ cần những gì chưa? Trong bài viết hôm nay, MamaFood cung cấp cho bạn các thông tin về mâm cỗ cúng Tết Đoan Ngọ 3 miền Bắc Trung Nam, cùng tìm hiểu nhé!
1. Tết Đoan Ngọ là gì?
Tết Đoan Ngọ là ngày lễ lớn của Việt Nam và diễn ra vào ngày mùng 5 tháng 5 âm lịch hằng năm. Bên cạnh cái tên Tết Đoan Ngọ, ngày này còn được gọi là tết Đoan Dương, Tết diệt sâu bọ.
Sở dĩ, Tết Đoan Ngọ được gọi với cái tên Tết diệt sâu bọ là bởi đây là thời điểm các loại sâu bọ, giun, sán,… hoành hành, sinh sôi gây nguy hiểm cho mùa màng và sức khỏe mọi người. Do đó, người xưa lấy ngày 5/5 làm tết diệt sâu bọ và chuẩn bị mâm cúng Tết Đoan Ngọ với các loại trái cây dâng lên thần linh để cầu mong xua đuổi sâu bọ, mùa màng tươi tốt, bội thu.
Ngoài ra, Tết Đoan Ngọ không chỉ phổ biến tại Việt Nam mà còn ở một số nước trong khu vực Đông Á như Trung Quốc, Triều Tiên và Hàn Quốc. Chính vì thế, lễ cúng Tết Đoan Ngọ cũng được xem là phong tục truyền thống quan trọng trong năm của nhiều nước, cần được gìn giữ và phát huy.
2. Mâm cúng Tết Đoan Ngọ chuẩn ba miền
Vậy ngày Tết Đoan Ngọ cúng gì? Theo truyền thống, mâm cúng Tết Đoan Ngọ thường bao gồm những loại trái cây, bánh ngọt, rượu nếp,… và những lễ vật như hoa, hương, vàng mã, tùy vào văn hóa mỗi vùng. Cùng tìm hiểu điểm đặc biệt của mâm cỗ cúng Tết Đoan Ngọ tại 3 miền ngay dưới đây:
2.1 Mâm cúng Tết Đoan Ngọ miền Bắc
Ngoại trừ những lễ vật không thể thiếu như hoa, hương, vàng mã và hoa quả thì mâm lễ Tết Đoan Ngọ miền Bắc còn có 3 vật phẩm đặc trưng:
- Rượu nếp: Người xưa tin rằng, rượu nếp có tác dụng tiêu diệt sâu bọ trong cơ thể, loại bỏ chúng từ sâu bên trong.
- Cơm rượu nếp cái hoa vàng: Điểm đặc trưng của mâm cúng Tết Đoan Ngọ miền Bắc chính là cơm rượu nếp cái hoa vàng và không nơi đâu có loại cơm rượu như miền Bắc. Ngoài ra, một số nơi còn sử dụng thêm cơm rượu nếp cẩm mới lạ.
- Bánh tro: Đây là loại bánh làm từ gạo nếp và nước tro, gói trong lá chuối. Ông cha ta ngày xưa cho rằng, gạo nếp khi luộc trong lá chuối sẽ hấp thu đặc tính cây cỏ, giúp giải nhiệt và diệt trừ bệnh tật “sâu bọ” trong cơ thể.
2.2 Mâm cúng Tết Đoan Ngọ miền Trung
Tương tự như mâm cỗ Tết Đoan Ngọ miền Bắc, miền Trung vẫn giữ nguyên các lễ vật cần có và thêm một số món đặc trưng riêng của vùng như:
- Cơm rượu: Miền Trung với công thức cổ truyền đặc biệt, cơm rượu có dạng nhỏ vuông vức, chín mềm từ sâu bên trong mang đến hương vị ngon, kích thích vị giác.
- Thịt vịt: Khác với mâm cỗ cúng Tết Đoan Ngọ các vùng khác, miền Trung còn có thêm thịt vịt. Sở dĩ người miền Trung ưa chuộng cúng thịt vịt bởi vì người ta tin rằng thịt vịt có tác dụng làm mát, giải nhiệt, bổ máu và giúp tiêu hóa tốt hơn, đặc biệt, đây còn là thời điểm thịt vịt ngon, béo nhất.
- Chè kê: Mặc dù không phải phổ biến trong tất cả mâm cúng Tết Đoan Ngọ ở các tỉnh miền Trung nhưng chè kê lại rất được ưa chuộng tại Quảng Nam bởi vị ngọt, dẻo thơm cùng hương vị khó cưỡng.
2.3 Mâm cúng Tết Đoan Ngọ miền Nam
Miền Nam là khu vực đất đai trù phú, tươi tốt nhất trong 3 miền, vì thế mâm cúng Tết Đoan Ngọ miền Nam cũng đa dạng, phong phú với nhiều loại trái cây, đặc sản hơn. Bên cạnh những lễ vật như hương, đèn, vàng mã, hoa tươi, mâm hoa quả cúng Tết Đoan Ngọ còn độc đáo với các loại trái cây đặc trưng như vải thiều, mận, chôm chôm.
Ngoài ra, miền Nam còn cúng Tết Đoan Ngọ với các vật phẩm sau đây:
- Cơm rượu: Vẫn là cơm rượu, nhưng cơm rượu miền Nam được vo thành viên tròn thêm nước đường tương tự như xôi chè miền Bắc.
- Bánh ú Bá Trạng: Tương tự như bánh tro miền Bắc, nhưng bánh ú có ngoại hình to hơn, được làm từ gạo nếp cùng nhân ngọt. Bánh ú Bá Trạng được gói từ nhiều loại lá khác nhau như lá chuối, lá sen, lá dừa,… mỗi loại lá sẽ cho ra một hương vị đặc trưng riêng.
- Chè trôi nước: Những viên chè tròn mềm, trắng tinh cùng nhân đậu xanh bùi bùi tựa như thành phẩm của mùa màng bội thu. Do đó, chè trôi nước được người dân miền Nam ưa chuộng để dân lên thần linh cầu mong mùa màng bội thu.
3. Văn khấn Tết Đoan Ngọ
Cùng với mâm cúng Tết Đoan Ngọ, khi làm lễ cúng mọi người sẽ chuẩn bị bài văn khấn chỉn chu, đủ đầy để mời gọi thần linh, chư phật chứng giám và thụ lễ. Sau đây là bài văn khấn Tết Đoan Ngọ chuẩn nhất, được trích trong sách lễ tiết Việt Nam mà bạn có thể tham khảo:
Đầu tiên, trước khi đọc văn khấn, gia chủ cần đốt 9 ngọn nến, thắp 9 nén hương và lạy 9 lạy để đọc văn khấn.
“Nam mô A di Đà Phật! (3 lần)
Con kính lạy chín phương trời, mười phương chư Phật, chư Phật mười phương.
Con kính lạy Hoàng Thiên Hậu Thổ, chư vị Tôn thần.
Con kính lạy ngài Bản cảnh Thành hoàng, ngài Bản xứ Thổ địa, ngài Bản gia Táo quân cùng chư vị Tôn thần.
Con kính lạy Tổ tiên, Hiển khảo, Hiển tỷ, chư vị Hương linh (Thay bằng Tổ Khảo, Tổ Tỷ nếu bố mẹ còn sống).
Con là:…. Tuổi:….
Hiện cư ngụ tại: … ( địa chỉ cụ thể: số nhà, đường, phường/ xã, huyện, tỉnh/ thành phố).
Hôm nay nhân ngày mùng 5/5 âm lịch, tức Tết Đoan Ngọ, chúng con sửa sang hương đăng, sắm sửa lễ vật, hoa đăng, trà quả dâng lên trước án thờ.
Chúng con kính mời ngài Bản cảnh Thành hoàng, Chư vị Đại Vương, ngài Bản xứ Thần linh Thổ địa, ngài Bản gia Táo quân, Ngũ phương, Long mạch, Tài thần. Cung kính cúi xin các Ngài giáng lâm trước án chứng giám lòng thành, thụ hưởng lễ vật.
Chúng con kính mời các cụ Tổ Khảo, Tổ Tỷ, chư vị Hương linh gia tiên nội ngoại họ (họ gia chủ), cúi xin các vị thương xót con cháu chứng giám tấm lòng thành thụ hưởng lễ vật.
Chúng con xin kính mời các vị Tiền chủ, Hậu chủ tại nhà này, đất này đồng lâm án tiền, đồng lai hâm hưởng, độ cho chúng con thân cung khang thái – bản mệnh bình an – bốn mùa không hạn ách – tám tiết hưởng bình an thịnh vượng.
Chúng con lễ bạc tâm thành, trước án kính lễ, cúi xin đức thánh thần được phù hộ độ trì.
Nam mô A di Đà Phật! (3 lần)”
Kết thúc lễ, cắm nhang, lạy 9 lạy.
4. Những lưu ý khi cúng Tết Đoan Ngọ
Để lễ cúng Tết Đoan Ngọ diễn ra thành công tốt đẹp, bạn không nên bỏ qua những lưu ý sau đây:
4.1 Cúng Tết Đoan Ngọ gồm những gì?
Lễ cúng Tết Đoan Ngọ đúng chuẩn, bạn cần chuẩn vị đầy đủ các lễ vật hương, đèn, hoa tươi và mâm cúng Tết Đoan Ngọ. Ngoài ra, đừng quên chuẩn bị bài văn khấn mời thần linh chứng giám lòng thành và thụ hưởng lễ vật.
4.2 Cúng Tết Đoan Ngọ ở bàn thờ nào?
Tùy vào từng gia đình, mâm cơm cúng Tết Đoan Ngọ sẽ được bày trên bàn thờ tổ tiên hoặc trước nhà. Ngoài ra, nếu có điều kiện gia chủ có thể bày cả hai nơi cùng lúc.
4.3 Mùng 5/5 Tết Đoan Ngọ cúng gì cho Ông Địa Thần Tài?
Mâm cúng Tết Đoan Ngọ bàn thờ Ông Địa, Thần Tài cũng tương tư như mâm lễ Tết Đoan Ngọ gia tiên. Tùy vào điều kiện gia đình và phong tục từng vùng, mà mâm cũng có thể thay đổi khác nhau, nhưng không thể thiếu các lễ vật cơ bản như:
- Hoa tươi
- Vàng mã
- Hương, đèn
- Nước
- Rượu
- Xôi, chè
- Bánh tro/ bánh ú
- Cơm rượu nếp
- Các loại hoa quả theo mùa (vải thiều, mận, chôm chôm,..)
4.4 Thời gian cúng Tết Đoan Ngọ tốt nhất?
Cúng Tết Đoan Ngọ vào giờ nào là câu hỏi được nhiều người quan tâm nhất khi đến ngày mùng 5 tháng 5 âm lịch hằng năm. Theo lịch âm, mùng 5 tháng 5 sẽ nhằm vào ngày Ất Hợi, do đó có 2 khung giờ cúng Tết Đoan Ngọ tốt nhất như sau:
- 11h -13h: Giờ chính ngọ, khung giờ đẹp và chuẩn nhất khi cúng Tết Đoan Ngọ, đặc biệt là 12h trưa.
- 7h – 9h: nếu không thể sắp xếp được thời gian vào giờ ngọ, gia chủ có thể chọn thời gian sớm hơn vào khung giờ từ 7 đến 9 giờ sáng để cúng Tết Đoan Ngọ.
Như vậy, Mama’s Food đã giúp bạn hiểu hơn về Tết Đoan Ngọ cũng như lễ tiết, mâm cúng Tết Đoan Ngọ gồm những gì. Hy vọng với những thông tin trên đây, bạn có thể thực hiện lễ cúng Tết Đoan Ngọ chỉn chu và vẹn tròn nhất.